Volker lê chân cà nhắc dẫn Phan đi lòng vòng lên xuống khắp hai tầng lầu viện bảo tàng, rộng lớn nguy nga, chẳng khác gì tòa lâu đài. Hệ thống đèn hoàn toàn tự động khi có người ra vào. Hệ thống sưởi đặt dưới sàn nhà. Thiết kế ánh sáng có thể xoay chiều, đổi màu tùy theo cuộc triển lãm nghệ thuật hiện đại hay cổ điển.
- Steffan, mày nhớ nghe, ở mỗi phòng đều có hệ thống báo động bên trái cánh cửa, nhưng mày vẫn có báo động cầm tay, không lo gì, ở đây chưa xảy ra vụ gì. Xem đó, video khắp nơi, thêm hàng rào tia laser, con ruồi cũng không thoát, nói chi người.
Nói vậy nhưng Volker lúc nào cũng kè kè bên người khẩu súng nhỏ. Trước kia, ông tự cho phép mình đeo súng công khai bên hông như thời chiến. Sau này để khỏi nghe lời than phiền của tay giám đốc: “Đây không phải nhà tù hay tiền đồn ở mặt trận”, Volker đành giấu khẩu súng dưới nách áo. Tình yêu của ông là bóng đá và cá độ. Người vợ chung thủy của ông là cái viện bảo tàng điêu tàn, đổ nát sau chiến tranh, nay trở thành một phu nhân đài các nổi tiếng khắp châu Âu. Ông ăn ở trong hai gian phòng nhỏ ngay tại tầng hầm bên dưới, hãnh diện như một người chồng gương mẫu, và từng được ngợi khen về lòng tận tụy phục vụ trên tạp chí Nghệ thuật xưa và nay nhân kỷ niệm ngày bà vợ - bảo tàng viện của ông (chứ không phải của nước Đức) tròn 100 tuổi.
Chỉ một điều duy nhất Volker không chấp nhận ở Phan:
- Mày không có đàn bà để yêu, tốt, thì phải có cái khác để say mê chứ! Xe hơi, tiền, quyền lực, cờ bạc, rượu, heroin, tôn giáo, bóng đá... Cha mẹ ơi, thời chiến tao chỉ mơ có ổ bánh mì với miếng thịt bò để ăn, đêm đêm chỉ cầu nguyện đừng có quả bom nào rơi vô ổ tao nằm. Còn thiên hạ đời nay chạy theo đủ thứ, điên hết cả lũ. Trừ mày ra, chẳng lẽ đời mày rỗng không? Như thế là không tốt đâu, con ơi!
- Đâu phải chỉ thời chiến, Volker! Thời nay lũ trẻ con ở Phi châu chỉ mơ có bánh mì với sô-cô-la thôi.
- Mày nói đúng! Cũng không phải chỉ có trẻ con ở Phi châu, còn ở nhiều nước nữa. Nhưng mày sống cho cái gì, Steffan?