Tôi có một người bạn, cứ gọi anh là N., và xin đừng tìm hiểu anh là ai. Cuộc đời của anh vừa rối ren vừa đầy biến động, cắt lát nào ra lát ấy, mỗi lát mỗi vân vi và dường như không ngừng được cập nhật. Thường thì tôi quên vì N. chỉ là ký ức, nhưng thi thoảng, vấp phải một cái gì đó, lời nói hay viên sỏi trên đường chẳng hạn, thì một trong những lát cắt ấy lại bật ra, hiển hiện. Sự quy chiếu này chắc cũng bình thường thôi, không có gì đặc biệt.
Một nửa sự thật
N. là con nuôi một gia đình khá giả, có địa vị trong xã hội. Bố mẹ nuôi của anh chẳng những không có ý định che giấu thân phận anh mà còn thường xuyên nhắc nhở. N. được mua về làm con từ lúc mới lọt lòng, nhằm giải khước cho đôi vợ chồng đang trong tình cảnh hiếm muộn. Và đúng như vậy, sau khi mang anh về, bố mẹ nuôi của anh lần lượt có tin vui gần đủ chục lần. Anh thành anh Hai ngang hông của một bầy em. Cứ thêm một đứa em ra đời là vị trí của anh lại bị đẩy lùi thêm một bậc. Nói ngang với tôi tớ thì hơi oan cho tôi tớ, bởi anh không biết mình được xếp vào hạng nào. Cái sự dư thừa đôi khi lại là nguyên nhân của tội lỗi.
Nói vậy chứ N. cũng được cho ăn học dạy dỗ tử tế, chỉ có điều thân phận sống nhờ, sống gởi, sống lạc loài thì không một giây phút nào anh được phép quên. N. không phải là kẻ bội bạc, anh biết ơn người cưu mang nhưng luôn day dứt về nguồn cội của mình, và không ngừng nỗ lực bằng tất cả những gì có thể để mơ về một ngày đoàn tụ với người ruột thịt. N. đã sống trong hy vọng như thế suốt năm mươi năm cuộc đời mình. Anh không tin trên đời này lại có người mẹ nào đang tâm rứt ruột đem con ra chợ bán để đổi lấy thúng gạo đội về. Anh còn cả quyết dứt khoát rằng đằng sau nó phải là một câu chuyện đầy thương tâm uẩn khúc, và anh phải có nhiệm vụ tìm ra đấng sinh thành của mình để báo đáp, anh phải biết mình đang được mang huyết thống dòng tộc nào.
Thông tin từ bố mẹ nuôi của N. hết sức mập mờ và vô trách nhiệm. Tất nhiên họ không khuyến khích anh khi mà họ đã già và anh có thể trở thành chỗ nương tựa. Họ chỉ nhớ mang máng cái chợ huyện ở một tỉnh trung du tình cờ ghé lại trên đường đi, hai đứa trẻ sinh đôi đỏ hỏn quấn sơ sài bằng nắm giẻ, đặt trong cái rổ mây bên cạnh mấy con gà con vịt nải chuối, một người đàn bà trẻ nghèo khó ỉ ôi van xin; sự thỏa thuận chóng vánh, và họ ẵm đại một trong hai đứa trẻ đi ngay không một lần trở lại.
Đất nước chia cắt, cách trở, sự chia ly càng thăm thẳm vô phương. N. còn một người anh em sinh đôi nữa. Bằng chừng ấy thông tin, sau ngày thống nhất anh lặn lội ngược xuôi hai đầu đất nước, vô vọng kiếm tìm. Thi thoảng bạn bè gặp nhau hỏi han, động viên, anh chỉ cười buồn, mình vẫn đang cố gắng. Ai cũng chúc anh sớm toại nguyện.
N. là một nghệ sĩ sáng tác, tác phẩm của anh trong giai đoạn này xám xịt, mù mờ, ảm đạm, rối rắm.
Đùng một cái, trời không phụ lòng người, N. tìm được người thân của mình, cả cha mẹ ruột vẫn còn đang mạnh khỏe, người em song sinh, quê hương làng mạc, dòng tộc tổ tông. N. tóm được người đàn ông giống hệt mình khi anh về lại huyện đó và đang đi vẩn vơ kiếm tìm. Cũng vóc dáng, râu tóc, mặt mũi, nhoáng qua là nhận ra ngay. Khỏi phải nói, anh đã mừng rỡ đến phát điên, cứ như người đánh mất ký ức nay bỗng dưng xé toạc màn đêm bao phủ. Tất cả hiện ra rỡ ràng, ngồn ngộn. N. như người sống trong mơ, giấc mơ kéo dài suốt một tháng khi anh bỏ hết công việc để ở lại với gia đình ruột thịt của mình. Khỏi phải nói, sự hàn huyên, phân trần, uẩn ức bao năm trời nay mới có nơi có chỗ, có người để mà trút ra, san sẻ. Ai biết chuyện cũng đều mừng cho N., đều nghĩ là cuộc đời anh đã mở bớt một nút thắt.
Gặp N. sau đó không lâu, thấy anh chỉ ừ à khi nhắc chuyện này. Bẵng đi một thời gian thì chỉ nghe anh chép miệng thở dài. Sau đó nữa thì thấy anh không buồn nghe, riết rồi cũng chẳng ai muốn hỏi. Mãi rồi cũng được nghe chính miệng anh bật thốt: "Biết vậy mình chẳng đi tìm làm gì!". Chuyện gì đã xảy ra cho một người cả đời miệt mài đi tìm nguồn cội của chính mình như vậy?
Họ, những người đã nhẫn tâm bán đi giọt máu của chính mình vì hoàn cảnh cơ nhỡ nhất thời, nay lại tiếp tục khai thác nó. N. kiệt sức vì phải đáp ứng những nhu cầu bất tận của họ, và thật sự bị đánh gục vì cú lừa đảo vét chót của thằng em sinh đôi giống anh như hai giọt nước. N. không còn đủ can đảm đối diện với sự thật phũ phàng mà anh bỏ cả đời tìm ra, nhưng bây giờ, anh không có quyền lựa chọn hoặc từ chối nữa.
N. vẫn sáng tác, nhưng có một điều rất lạ, các tác phẩm của anh đã tươi sáng hơn, mềm mại hơn, và bay bổng hơn rất nhiều.
Phải chăng trí tưởng tượng của anh đã được kích hoạt?
Tôi không biết. Tôi chỉ nghĩ, nếu là tôi, tôi sẽ vô cùng đắn đo trước khi quyết định đi tìm sự thật về chính mình hay ai đó. Thế thôi.
Nhưng nếu số phận buộc ta phải đối diện?
Tri kỷ
Dưới mắt của nhiều người chung quanh thì rõ ràng N. là một nghệ sĩ. Và nghệ sĩ trong mắt của nhiều người thì phóng túng, đa tình, lãng mạn, be bét, hoang tưởng, đãng trí... và có thể còn tưng tưng.
N. tin vào thế giới tâm linh. Anh đã từng yêu một cô gái từ cái nhìn đầu tiên, không dứt ra được, chỉ bởi cái thần thái hoàn toàn trống rỗng toát ra từ cô: đó là một sự cô độc khủng khiếp, giống hệt anh khi đó. Họ tự nhiên thành vợ thành chồng. Ai cũng cho đó là sự an bài của số phận, sự lắp ghép của hai mảnh vỡ. Nhưng, không phải lúc nào người ta cũng thần phục số phận của mình.
May mắn lớn nhất của đời N. cho đến nay là lấy được người vợ này, người đã âm thầm bên anh bất kể sự tàn phá của thời gian, sự sụp đổ của lòng tin, và như không hề có giới hạn của sự chịu đựng.
Bởi với bất cứ người phụ nữ nào, nếu N. đã từng yêu, thì anh đều yêu từ cái nhìn đầu tiên. Và yêu thật, yêu như chưa từng được yêu, được sống, yêu vô điều kiện, vô vụ lợi, và mỗi lần chỉ yêu duy nhất một người thôi. Các cuộc tình dù chóng vánh như mưa rào hay sấm sét hỏa sơn đều được anh cụ thể hóa trong các sáng tác, bỏng rát và chân thật. Vẻ như ai cũng là tri âm tri kỷ. Những người phụ nữ lần lượt được và bị anh yêu chẳng ai giận hờn trách móc nhau, đơn giản chỉ vì, họ không giẫm đạp lên nhau, người nọ cách người kia cả quãng, chẳng ai mất mát gì.
N. yêu cả cô bé bán cà phê cóc vỉa hè, hằng ngày miệt mài chiêm ngưỡng nàng với cả tá ly cà phê. Chồng cô hàng cà phê cũng chẳng nỡ bắt tội, thỉnh thoảng còn rủ N. đi nhậu để an ủi.
Vợ N. biết tất cả những điều này, nhưng dửng dưng vô cảm. Nhiều người không hiểu, không thể hiểu thái độ của chị. Thôi thì đèn nhà ai nấy rạng, phải chăng cái gì mình đã ngán, đã buông thì cầm bằng nó không còn tồn tại trên đời.
Tất nhiên N. có quyền sống cho chính mình, chẳng cần dư luận, như tảng đá trơ trơ trước phong ba. Phong ba đi qua, tảng đá ở lại, chờ phong ba khác lại đến.
Nhiều người xem lát cắt này của chàng nghệ sĩ là bình thường, thậm chí đương nhiên. N. có hạnh phúc không với cái sự thả rông tình cảm của mình - cho dù chỉ là bóng mây - thì điều này anh sống để dạ chết mang theo, ai muốn nghĩ sao thì nghĩ.
Còn tôi, không hiểu sao, tôi lại nhớ đến chuyện mẹ cô bạn của mình. Bà cụ đã ngoài bảy mươi, phúc hậu, gia đạo đề huề viên mãn. Bỗng dưng một ngày nọ bà tâm sự với con gái, rằng: "Con à, bây giờ má mới thấy, đời má cái gì cũng nếm trải phủ phê dư giả, chỉ có một thứ má không biết, đó là Tình Yêu". Cô bạn cười buồn: "Nghe mà rớt nước mắt, thấy thương mình, thương má đứt ruột".
Và có ai trong chúng ta không mong ước có một người duy nhất làm tri kỷ trong đời?
Đen trắng
Bố nuôi của N. là viên chức cao cấp chế độ cũ, nên anh được cho ăn học đàng hoàng, tương xứng với gia thế. Mười tám tuổi, N. rời gia đình vào Sài Gòn học đại học ở trường V, một ngôi trường danh giá nổi tiếng với phong trào đấu tranh của sinh viên đòi độc lập thống nhất, chống đối chính quyền đương thời. N. gặp môi trường mới như con cá nhỏ ra biển lớn, được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều danh sĩ, mở mang lập trường tư tưởng, thay đổi quan điểm nhận thức theo thời đại. Chuyện gì đến tất phải đến, N., chàng sinh viên năm thứ nhất luôn có mặt ở hàng đầu đội hình mỗi khi xuống đường tranh đấu. Dần dần chàng được tôi luyện, đào tạo thử thách để trở thành con người ưu tú mang sứ mệnh cảm tử.
N. được giao nhiệm vụ cùng tổ ba người mưu sát một nhân vật cao cấp của quân đội Mỹ trên đường di chuyển. Mọi sự tính toán đều khớp. Khối thuốc nổ tự tạo gắn kíp hẹn giờ đã được đặt đúng vị trí trên sơ đồ. Nhưng kế hoạch bại lộ vì nội gián, nhân vật nọ không xuất hiện. N. buộc phải tìm cách tháo khối chất nổ ấy trước khi nó có thể sát hại người vô tội. Anh bị bắt quả tang lúc đang loay hoay với khối thuốc nổ trên người cùng hai đồng đội.
Ra tòa, N. và đồng đội bị kết án tử hình.
Gia đình bố mẹ nuôi của N. bỏ mặc, xem như không có đứa con này, phủ nhận mọi liên hệ với anh trước chính quyền, nguyền rủa N. không tiếc lời. Nói cho cùng, họ cho anh ăn học tử tế thế này rồi thì anh đừng đòi hỏi gì hơn nữa.
Nhờ sự can thiệp của các tổ chức quốc tế, N. được giảm án còn chung thân và bị đày đi Côn Đảo. Đó là năm 1970. Bước xuống cầu tàu sau mấy ngày trời bị trói gô dưới hầm tàu, N. ngã quỵ. Anh bị đánh gãy chân ngay lúc đó. Khó lòng kể hết nhục hình và những tổn thương mà N. đã trải qua suốt năm năm trời bị đày đọa nơi chuồng cọp Côn Đảo.
Thế nên, ngày trở về của người anh hùng trong ngày chiến thắng ắt phải vô cùng vinh quang, tưng bừng rạng rỡ cho cả dòng cả họ.
Gia đình, dù đã bỏ rơi N. trong cơn hoạn nạn, nhưng dù sao cũng là nơi đã cưu mang, nuôi anh lớn, và cũng là nơi duy nhất có thể đón anh trở về như một người thân. N. tự hào đã bảo đảm an toàn cho cha mẹ nuôi những ngày đầu tiên khi chế độ mới tiếp quản. Nhà cửa không bị tịch thu, ông bố không phải đi cải tạo, em út được chấp nhận vào tổ chức... Bản thân N. lại hăng hái tham gia phong trào bằng tất cả khả năng tâm huyết của mình. N. đã báo đáp công ơn nuôi dưỡng hết sức ngoạn mục.
Hai năm sau, vào một buổi chiều u ám, một chiếc xe bít bùng đỗ xịch ngay trước cửa. Nhiều người mặc thường phục cùng lao xuống còng tay N. ngay tại nhà và đẩy anh lên xe, không một lời giải thích. N. vẫn đang là cán bộ đoàn thể năng nổ. Oái oăm đến thế là cùng.
N. trải qua kiếp tù đày lần thứ hai trong đời. Ban đầu anh không rõ tội danh của mình vì thấy nguời ta đối xử với mình khá ôn hòa nhã nhặn, chỉ phải còng lưng viết tường trình giai đoạn hoạt động nội thành thời trước khi bị đày Côn Đảo. Viết tới viết lui, viết xuôi viết ngược. Cũng chẳng ra tòa kêu án, chỉ thấy bị đưa vào trại quản thúc, ngày ngày lao động, tối tối học tập chính trị, chẳng ai ngó ngàng tới mình.
Một lần nữa, gia đình lại tiếp tục từ chối anh. Ông bố nuôi đã kịp bán đi sở nhà to trước khi cái mác của ông con bị thu hồi. Ba năm sau, N. được cho ra tù cũng đột ngột như khi bị bắt. Chỉ đến lúc này N. mới vỡ lẽ, người đứng đầu tổ chức của anh ngày ấy hình như có vấn đề với những lãnh đạo đương thời, và anh không thể tránh vạ lây. Thật đơn giản.
Đơn giản như đen và trắng, trắng và đen.
N. vẫn là N., ở đâu, lúc nào cũng vậy. Nhưng giờ đây anh như diễn viên tồi trên sân khấu, không quan tâm đến phông màn, vai diễn, và khán giả nữa...
N. bước xuống, và đi luôn, trắng tay.
Nhiều người tỏ ý không đồng tình khi thấy tôi mổ xẻ một người mà tôi gọi là bạn. Có thể, cũng như họ, tôi không hiểu và không đồng tình với N. về nhiều vấn đề, có điều tôi chưa bao giờ giễu cợt hoặc thiếu tôn trọng anh.
Làm sao có quyền đánh giá thấp một người khác chỉ vì họ không giống mình, không cùng một quan niệm sống như mình?