Khi mặt trời mới vắt nửa qua bên kia sườn núi Tà Lon, lũ mục đồng vội vã lùa đàn gia súc trở về lán trại. Mùa khô, cây không ra nổi đọt non, lũ dê nhai cả lá già chát đắng, lúc đầu ăn lá dưới gốc, khi lá gốc không còn, chúng đứng dựng hai chân sau, hai chân trước ôm cành vói táp lá ngọn.
Năm hạn hán, bà con miệt xuôi tập trung đàn gia súc lên vùng đất dưới chân ngọn tháp Chăm hoang phế, lùa chúng đi ăn cỏ, lá cây trên núi Tà Lon.
Đàn gia súc cả ngàn con bò, dê, cừu vặt trụi lá cây tươi lẫn lá khô, ủi cả gốc cỏ lên để gặm nhắm, cày xới đồng đất tơi tả mịn màng, chờ cơn gió tạt qua là tung lên làn sương mỏng màu đỏ.
Thoáng thấy làn sương đỏ từ xa bốc về hướng mình, Hiền dừng xe đạp đứng dạng chân, kéo chiếc áo khoác trùm kín đầu. Cô phải làm thế, nếu không bụi đỏ sẽ nhuộm tóc cô, vẽ lông mày cô, đánh phấn lên má cô, chui vào trong áo lót cô rin rít, nham nhám.
Trước khi đến lán trại gia súc và cũng là nơi ở của gia đình mục đồng, bao giờ Hiền cũng dừng bên khúc suối dưới bóng cây trâm để rửa ráy, chải lại mái tóc rối bời vì gió.
Con suối đã cạn khô cả tháng nay, dân làng phải đào chi chít những cái hố sâu trong lòng suối để vắt ít nước đủ cho người và gia súc uống dè sẻn, cầm cự với cái khát đợi những đám mây chứa hơi nước về lởn vởn trên bầu trời.
Hiền gặp một cậu học trò của mình đang dùng cái ca nhỏ hớt từng ngụm nước trong một cái hố. Cậu học trò đen đúa nghiêng thùng nước vục cho cô giáo một ca đầy sóng sánh, nhoẻn miệng cười khoe mấy cái răng sún.
- Cô rửa cái mặt cho nó mát!
- Cái mặt nó mát chớ cô đâu có mát, phải không Phốt?
Hiền trêu cậu học trò người Chăm chất phác, sáng dạ. Phốt nhe răng cười với cô giáo, hai mắt nó sáng ấm áp trong vòm cây trâm um tùm. Tiếng chân đàn gia súc đã nghe vọng lại rõ hơn, rồi bản hợp xướng âm thanh của bò, dê, cừu và cả tiếng người hò hét lùa chúng vào chuồng vang vọng, làm náo động cả góc rừng.
Hiền dắt xe đạp, bên Phốt gánh lưng đôi nước đi về hướng chi chít những ngọn đèn dầu có bốn mặt kính chắn gió, treo lủng lẳng ở các góc chuồng gia súc và các chỗ ở của gia đình mục đồng.
Lâu nay, các em học trên sạp ván làm chỗ ngủ của anh em Phốt. Cây đèn dầu đặt giữa sạp ván, các em ngồi quanh trên cái ghế thấp hay khúc cây, cục đá. Cô giáo đi vòng sau lưng, tập em này viết chính tả, dạy em kia làm bài toán nhân, hay cầm tay uốn nắn từng chữ viết cho một em khác.
Có em chưa từng được đến trường, có em dở dang bậc tiểu học thì theo cha mẹ sống đời du mục nên con chữ cũng rơi rụng nhiều theo mỗi lần nhảy cỡn đuổi đàn gia súc ven sông suối.
Theo tập tục vùng Tà Lon này, chăn gia súc không phải là một, hai người mà cả gia đình: người cha nhận chăn dắt thuê một đàn cả trăm con, có thể chỉ là một loại gia súc hoặc cả bò, dê, cừu; cả nhà sẽ sống đời du mục theo chân đàn gia súc.
Người cha và các con chăn dắt, người mẹ lo việc bếp núc. Có khi thiếu cỏ và nước uống, họ phải chia gia súc làm hai đàn, nghĩa là gia đình họ cũng chia hai, chờ đến mùa mưa cỏ non xanh mởn cánh đồng mới được sum họp. Thông thường gia đình họ chia ba vì còn phải cắt người canh tác nương rẫy; chỉ vào ngày lễ Katé, lễ Ramưwan hay Tết Nguyên đán họ mới gặp nhau đông đủ dưới một mái nhà.
Trong vùng, dưới chân ngọn tháp có nhiều lán trại của người chăn thuê gia súc nên Hiền chọn để mở lớp dạy phổ cập tiểu học cho các em, gần hai mươi em người Chăm và Kinh, còn các em ở nơi quá hoang vắng thì Hiền đành chịu.
Đêm nay, các em dời sang lớp mới. Đó là cái chuồng cừu mới dựng còn thơm mùi gỗ. Học trò của Hiền thoải mái ngả lưng ngay trên sàn ván, có em nằm nhoài để chép bài dù ba mẹ các em đã kê mấy tấm ván dài để làm chỗ ngồi.
Vào những đêm trăng, Hiền thường nán lại trò chuyện với đám trò nhỏ, hỏi han chúng về những sinh hoạt hàng ngày, và giải thích cho các cô cậu đang tuổi tò mò nhiều điều chúng không biết hỏi ai.
- Thưa cô, thằng Phốt nó… “dê” em!
Tiếng Bề, cô học trò xinh xắn nhất lớp gọi làm Hiền thôi nhìn vầng trăng vừa nhú mình lên khỏi rặng tre xa xa. Cả lớp cười ồ còn Phốt ngượng nghịu phân bua:
- Thưa cô… em ngủ gục chớ bộ!
- Ngủ gục sao mày… ôm tao?
Bề quát, tiếng con gái vỡ giọng nghe the thé.
- Tao giật mình, quờ tay đụng mày, chớ tao… ôm hồi nào?
Phốt càng lúng túng.
- Sao hai tay mày… khôn quá trời vậy!
Bề dấm dẳng, rồi cầm quyển vở bò sang chỗ bé Nai.
Bé Nai nhỏ tuổi nhất lớp, nó mới tập làm quen với các chữ cái, vì trường học ở xa xôi nên Hiền trở thành cô giáo cả xóm nghèo chăn gia súc thuê này. Hiền được bạn bè gọi âu yếm là cô giáo xóm bò, rồi cô giáo xóm dê nhưng Hiền thích nhất là tên mà bạn trai cô đặt cho: Cô giáo xóm cừu.
Anh đùa là con cừu hiền lành, chăm chỉ và nhẫn nhịn giống… tính tình cô, nếu gọi cô giáo xóm dê hay xóm bò không khéo lại bị hiểu lầm là cô giáo dạy ở cái xóm toàn đàn ông “dê” hay học trò của cô giáo… “ngu như bò” thì điều tiếng cho cô giáo trẻ quá!
Nai nhìn cô giáo, ngây thơ hỏi :
- Chị Bề nói anh Phốt “dê” nhưng sao anh Phốt không có sừng?
Cả lớp lại được dịp cười nắc nẻ, có đứa nằm trên sàn ván ôm bụng cười lăn lộn. Hiền làm mặt nghiêm:
- Pabe năn tha thubiêp dâu habar? (Dê là con vật như thế nào?)
Lu nhanh nhẩu:
- Pabe năn tha thubiêp hu takê thong pak takai.
Dôn đáp:
- Pabe băng harơk thong hala kadâu.
Hiền cười lớn:
- Các em trả lời bằng tiếng kinh dị! Nai Gru (Cô giáo) không biết nhiều tiếng Chăm đâu.
Lu dịch:
- Em nói “Dê là con vật có sừng và bốn chân”, còn thằng Dôn nói “Dê ăn cỏ và lá cây”.
Lón đùa:
- Dê có con có sừng, có con không sừng nhưng đều nấu món lẩu được cả…
Hùng thuộc bài cô dạy, ê a:
- Dê thường mắc bệnh chướng hơi làm bụng phình to do ăn cỏ ẩm ướt, nên chúng ta không thả dê ra đồng quá sớm, lúc mặt trời chưa mọc.
Lành nhớ lời cô:
- Dê còn bị các chứng bệnh tiêu chảy, lở mồm long móng, viêm phổi, tụ huyết trùng… Khi thấy dê có triệu chứng biếng ăn, sốt cao, khó thở, có vẻ buồn bã hay đau đớn thì ta phải báo ngay cho cha mẹ.
Bề quan tâm đến sinh sản của con giống:
- Dê chửa từ 145 đến 150 ngày thì sinh con, nó có thể sinh từ 1 đến 3 con.
Hiền đọc các tài liệu về chăn nuôi rồi hướng dẫn cho các em, giúp các em hiểu biết về những “người bạn bốn chân” của mình, hiểu biết các bệnh thường thức mà các con vật rong ruổi trên đồng, truông núi với các em thường mắc phải, nhằm sớm phát hiện, chữa trị làm giảm thiệt hại đàn gia súc.
Tuy các em chỉ chăn dắt thuê hưởng công nhưng nếu đàn gia súc khoẻ mạnh, sinh sản nhiều thì cuối năm sẽ được chủ thưởng công bằng tiền hay một con dê cái con. Một con dê cái con là cả gia tài nho nhỏ của cả gia đình các em khi nó trở thành một con giống đẻ sai.
Đêm nồng mùi phân gia súc, mùi đất cháy khét sau một ngày bị thiêu đốt bởi nắng mùa đại hạn. Những lùm bụi xác xơ còn trơ gai nhọn tua tủa đứng lặng lẽ dưới bóng trăng, trên con đường mòn quanh co từ xóm cừu ra đường lớn. Hiền đạp xe thong thả, có lúc dắt bộ băng qua cánh đồng nứt nẻ để mau về tới nhà.
Đêm nay Hiền càng nôn nóng về nhà vì cô có hẹn với người bạn trai vừa về phép. Khi Hiền qua một khúc quanh, anh đột ngột hiện ra, cười rạng rỡ với cô, dắt chiếc xe đạp hộ cô. Trên cánh đồng rộng bát ngát trăng, lần đầu Hiền không còn cảm nhận nỗi cô đơn choáng ngợp lòng mình, dù mỗi đêm từ xóm cừu trở về, các trò nhỏ của cô đều tiễn cô giáo của chúng một quãng đường.